Sau khi mọi người đã tham khảo bài viết “Luật Cờ Tướng - Các luật cơ bản (Phần 1)” thì cũng đã một phần nào hiểu được những nội dung cơ bản về luật chơi Cờ Tướng. Theo đó, luật Cờ Tướng châu Á cũng như luật Cờ Tướng Thế giới đã có nhiều bổ sung, cải tiến. Tại nước ta, sự cập nhật những thông tin mới của luật cờ, chi tiết hóa những điều luật là một đòi hỏi khách quan. Thêm vào đó, sự thống nhất, chuẩn hóa về luật đề áp dụng đồng bộ trong phạm vi cả nước cũng là một yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Sau đây, là những quy định về phần tiến hành ván cờ trong một trận đấu Cờ Tướng.
Căn cứ vào Chương 2 Quyết định số 1409/2004/QĐ-UBTDTT/TT1, ngày 23/9/2004 của Bộ Trưởng – Chủ Nhiệm Ủy Ban TTDTTT đã quy định các luật chơi cờ tướng tiến hành ván cờ như sau:
THỨ NHẤT - NƯỚC CỜ
Một nước cờ gồm một lượt đi của bên Trắng (Đỏ) và một lượt đi của bên Đen (Xanh). Khi tiến hành ván cờ bên Trắng đi trước, bên Đen chờ bên Trắng đi xong mới đi, và cứ thế lần lượt cho tới hết ván. Không bên nào được đi liên tiếp hai lượt trở lên.
THỨ HAI - CHẠM QUÂN
Chạm quân có nghĩa là đụng vào quân cờ, vừa có nghĩa là cầm lấy quân cờ. Có hai trường hợp chạm quân theo Luật chơi cờ tướng:
a) Chạm quân vô ý: do tay vô tình chạm quân, do khi đi quân ống tay áo chạm vào quân, do mất thăng bằng cơ thể mà đụng vào quân hay làm đổ quân…
b) Chạm quân cố ý là cầm một quân, có ý định đi quân đó nhưng khi nhấc quân đó lên đi thì đổi ý muốn đi lại quân khác, hoặc đã cầm quân đối phương để bắt quân đó nhưng lại muốn thay đổi không bắt quân đó nữa, hoặc khi đã đặt quân vào vị trí mới rồi, lại muốn hoãn để đi quân khác…
Với trường hợp vô ý, trọng tài chủ yếu là nhắc nhở hoặc cảnh cáo.
Với trường hợp cố ý thì bắt lỗi theo các quy định cụ thể dưới đây:
1. Đấu thủ tới lượt đi, nếu chạm tay vào quân nào của mình thì phải đi quân đó. Nếu nước đi này bị luật cấm thì được đi quân khác, nhưng phạm lỗi kĩ thuật. Nếu chạm hơn một quân thì phải đi quân chạm trước tiên. Không thể xác định chạm quân nào trước thì được phép đi một trong các quân đó.
2. Chạm quân nào của đối phương thì bắt quân đó. Trường hợp không có quân cờ nào của mình bắt được quân đó thì được đi nước khác nhưng bị ghi một lỗi kĩ thuật. Chạm số quân đối phương hơn một lần thì phải ăn quân chạm trước, khi không thể xác định quân nào trước sau khi ăn một trong số đó, không được phép không bắt quân đối phương.
3. Chạm quân mình trước, sau đó chạm quân đối phương, thì:
a) Quân mình chạm trước phải bắt quân đối phương chạm sau.
b) Nếu quân mình không thể bắt quân đối phương đó thì phải đi quân mình đã chạm.
c) Nếu quân mình không đi được thì phải dùng quân khác bắt quân bị chạm của đối phương.
d) Nếu không có quân nào của mình bắt được quân bị chạm của đối phương thì được đi nước khác, nhưng phạm một lỗi kỹ thuật.
4. Đấu thủ có lượt đi, chạm quân đối phương trước rồi chạm quân mình sau, thì:
a) Quân mình bị chạm phải bắt quân đối phương.
b) Nếu quân mình đã chạm không bắt được quân đối phương đó, thì phải dùng quân khác bắt quân bị chạm của đối phương.
c) Nếu không có quân nào bắt được quân của đối phương, thì phải đi quân mình đã chạm.
d) Nếu quân mình đã chạm cũng không đi được thì đi quân khác, nhưng phạm một lỗi kĩ thuật.
5. Cùng một lúc chạm quân của cả hai bên thì bị xử theo Điều 9.4.
a) Quân cờ phải được đặt đúng vị trí trên bàn cờ. Nếu đấu thủ muốn xếp lại quân cờ cho ngay ngắn thì phải báo trước cho trọng tài hay đối phương “tôi sửa quân này” và chỉ được phép sửa quân khi đến lượt mình đi.
b) Đi quân rồi không được đi lại. Khi quân đã đặt tới một vị trí khác trên bàn cờ, thì dù chưa buông tay cũng không được thay đổi.
6. Động tác chạm lần đầu do vô ý, trọng tài nhắc nhở; nếu vô ý lần thứ hai, trọng tài cảnh cáo, nếu tái phạm lần thứ ba thì xử lý như chạm quân cố ý.
7. Đi quân chạm nhiều giao điểm thì phải dừng quân cờ đó ở giao điểm chạm trước tiên.
8. Đấu thủ cầm quân vô ý rơi giữa 2 điểm nào đó của bàn cờ thì trọng tài nhắc nhở, tái phạm bị xử một lỗi kỹ thuật.
9. Các thế cờ không hợp lệ:
a) Nếu trong ván đấu phát hiện vị trí ban đầu của các quân cờ bị xếp sai từ đầu ván cờ thì phải hủy bỏ ván đó và chơi lại ván mới.
b) Nếu hai đấu thủ đi nhầm màu quân theo luật định (như bên cầm quân Đen đáng lẽ đi sau thì lại đi trước) thì hủy bỏ ván cờ và chơi lại ván khác.
c) Nếu hai đấu thủ đi nhầm màu quân nhưng bên đi tiên vẫn đi trước (bên tiên tuy cầm quân Đen nhưng vẫn đi trước) và diễn biến ván cờ không bị phạm luật thì giữ nguyên hiện trạng ván cờ, đổi lại màu quân để tiếp tục ván cờ bình thường.
d) Sau khi kết thúc ván cờ, hai bên ký vào biên bản và trọng tài xác nhận kết quả thì ván đánh đó có hiệu lực, không đánh lại, dù đã xảy ra các thế cờ không hợp lệ trên.
e) Bị nhầm màu quân nhưng cả hai đấu thủ đã chơi xong ván cờ mới phát hiện ra, thì kết quả ván đấu vẫn được công nhận, không phải đánh lại ván cờ đó, nhưng đấu thủ đáng lẽ cầm quân Trắng lại cầm nhầm quân Đen thì vẫn phải ghi là cầm quân Trắng để đảm bảo cho việc bắt thăm màu quân vòng sau vẫn bình thường.
10. Nước đi sai, quân đặt sai. Nếu đang đánh mà:
a) Phát hiện một nước không hợp lệ hoặc
b) Quân cờ đi sang vị trí không đúng giao điểm quy định thì thế cờ phải được khôi phục lại theo biên bản từ nước không hợp lệ (hay di chuyển sai). Trong quá trình khôi phục này phải dừng đồng hồ theo quyết định của trọng tài.
+ Nếu không xác định được sai từ nước đi nào thì diễn lại biên bản, tìm chỗ sai, đánh tiếp ván cờ.
+ Nếu đến lúc ván cờ kết thúc mới phát hiện nước sai lầm trên thì phải công nhận kết quả đang đánh.
11. Trọng tài can thiệp và phân xử việc chạm quân khi một bên đề nghị với trọng tài.
a) Nếu có chạm quân nhưng không bên nào đề nghị thì ván đấu vẫn diễn ra bình thường, trọng tài không can thiệp.
b) Việc chạm quân phải được hoặc đối phương công nhận, hoặc trọng tài chứng kiến còn nếu chỉ có một bên tố cáo thì trọng tài cũng không xét để phạt đối phương.
c) Ngoài đối thủ và trọng tài thì bất cứ người nào khác (huấn luyện viên, lãnh đội, người thân của đấu thủ, khán giả…) can thiệp cũng không có giá trị.
THỨ BA – THỜI GIAN VÁN ĐẤU THEO LUẬT CHƠI CỜ TƯỚNG
Điều lệ mỗi một giải đấu phải quy định rõ ràng và chi tiết cách tính thời gian của ván đấu để đảm bảo giải tiến hành phù hợp với tình hình thực tế. Luật cờ đưa ra một số cách tính thời gian thường được sử dụng để ban tổ chức từng giải lựa chọn.
Khi có sử dụng đồng hồ đánh cờ thì:
a) Đấu theo thể thức hai ván (lượt đi, lượt về) thì mỗi ván mỗi bên được 60 phút (cả 2 bên được 120 phút), không kiểm tra số nước đi.
b) Nếu chỉ đấu 1 ván thì mỗi bên được 90 phút (hai bên được 180 phút). Bên nào hết giờ trước bị xử thua (có hoặc không kiểm tra số nước đi).
c) Mỗi bên được 120 phút (hai bên được 240 phút) có kiểm tra số nước đi.
d) Thi đấu theo thể thức quốc tế: cứ 15 phút mỗi bên phải đi đủ 10 nước cho tới khi kết thúc ván cờ.
e) Giải cờ nhanh mỗi bên được 15, hoặc 25 hoặc 30 phút.
Các hình thức kiểm tra số nước đi từng ván như sau:
Thi đấu 1 ván, mỗi bên được 90 phút thì 60 phút đầu mỗi bên phải đi tối thiểu 25 nước, không đi đủ 25 nước bị xử thua. Sau đó mỗi bên còn 30 phút để kết thúc ván cờ. Hoặc với thời gian mỗi bên 120 phút thì 60 phút đầu phải đi tối thiểu 25 nước, sau đó mỗi bên có 60 phút để hoàn thành ván cờ. Với thể thức thi đấu quốc tế thời gian sử dụng cho 1 ván cờ được quy định như sau (theo Luật Cờ Tướng châu Á):
– 60 phút đầu phải đi đủ 25 nước.
– 75 phút phải đi đủ 35 nước.
– 90 phút phải đi đủ 45 nước.
– 105 phút phải đi đủ 55 nước đi.
– 120 phút phải đi đủ 65 nước.
– Sau đó cứ 5 phút phải đi đủ 10 nước cho đến khi kết thúc ván cờ nhưng đấu thủ được miễn ghi biên bản. Lúc này biên bản do đại diện trọng tài ghi. Trong khoảng thời gian này nước chiếu Tướng không được vượt quá bốn lần.
Quy định về việc bấm đồng hồ theo Luật chơi cờ tướng:
Đi quân xong (tay đã rời khỏi quân) mới được bấm đồng hồ. Tay nào đi quân cờ thì phải dùng tay đó để bấm đồng hồ. Nếu đấu thủ quên bấm đồng hồ, thì trọng tài nhắc nhở. Đấu thủ nào quên không bấm đồng hồ sau khi đi quân xong thì tự chịu thiệt thòi về thời gian của mình.
a) Đến giờ thi đấu, nếu một hoặc cả hai đấu thủ đến chậm, trọng tài vẫn bấm đồng hồ chạy và tính vào thời gian quy định. Ai đến chậm quá thời gian do ban tổ chức quy định (15, 30 hay 60 phút theo quy định) thì bị tính thua ván cờ đó.
b) Đấu thủ bắt buộc phải có mặt tại giải cờ, nếu vắng mặt quá giờ quy định bị xử thua mà không được ủy quyền cho bất cứ người nào khác thay mặt mình xin hòa hay có những đề nghị khác. Ngoài đấu thủ, bất kỳ người nào khác cũng không được phép đưa ra những đề nghị này.
Nếu đấu thủ có ý kiến thắc mắc, khiếu nại thì phải sử dụng thời gian của mình và không được bấm dừng đồng hồ (trừ trường hợp trọng tài vắng mặt quá lâu và chỉ được bấm dừng đồng hồ theo những điều được luật cho phép, ví dụ như phát hiện đồng hồ bị hư hỏng…). Nếu có mặt trọng tài mà đấu thủ tự ý dừng đồng hồ sẽ bị cảnh cáo, nếu tái phạm thì bị ghi lỗi tác phong. Trong trường hợp cần thiết, trọng tài dừng đồng hồ để giải quyết,
Nếu phát hiện đồng hồ bị trục trặc (chạy sai, không chạy…) thì phải kịp thời báo cáo ngay cho trọng tài để sửa chữa hay thay đồng hồ khác.
Khi một đấu thủ đi nước chiếu hết Tướng đối phương, nhưng chưa kịp bấm đồng hồ mà kim đồng hồ đã báo hết giờ (rụng kim) thì đấu thủ đó vẫn bị tính là thua ván cờ do hết thời gian.
Quy định về hoãn đấu:
Mỗi ván đấu cố gắng kết thúc ngay tại nơi thi đấu. Nếu gặp trường hợp hết buổi đấu mà vấn cờ chưa kết thúc thì phải thực hiện niêm phong nước đi. Người đến lượt đi ghi một nước cờ kín vào biên bản và bỏ vào phong bì dán kín nộp cho trọng tài. Đấu thủ phải sử dụng thời gian của mình suy nghĩ nước kín, ghi xong nước kín mới bấm dừng đồng hồ.
Khi mở niêm phong nước kín lúc hoãn cờ mà nước đi không hợp lệ thì bị xử thua.
THỨ TƯ – HẠN ĐỊNH SỐ NƯỚC ĐI DẪN TỚI HÒA CỜ
Trong quá trình tiến hành ván cờ mà một đấu thủ hoặc cả hai đấu thủ phát hiện trong 50 nước đi liên tiếp không bên nào thực hiện nước ăn quân thì có quyền đề nghị trọng tài xử hòa ván cờ. Trọng tài cho dừng đồng hồ và kiểm tra theo yêu cầu.
a) Nếu đúng có 50 nước đi trở lên liên tục, kể từ bất cứ thời điểm nào của ván cờ thì ván cờ đó mặc nhiên được xử hòa dù cục thế ván cờ trên bàn cờ ra sao.
b) Nếu trọng tài phát hiện ra chưa đủ 50 nước thì sẽ phạt người đề nghị bằng cách tăng thêm thời gian 2 phút cho đối phương rồi cho tiến hành tiếp ván cờ.
c) Nếu sau đó một đấu thủ lại đề nghị, thì trọng tài lại dừng đồng hồ; nếu ván cờ vẫn tiếp diễn tình trạng không bên nào bắt quân thì sẽ cộng số nước không có bắt quân trước đó với số nước đã tiếp diễn để xác định có đủ 50 nước hay không để xử hòa hoặc cộng tiếp 2 phút cho đối phương. Những nước chiếu hợp lệ tính tối đa 5 nước.
THỨ NĂM – KẾT THÚC VÁN CỜ
Khi ván cờ kết thúc, các đấu thủ ghi tỷ số ván đấu vào biên bản của mình, rồi cùng với trọng tài kiểm tra sự chính xác của biên bản bằng cách bày lại bàn cờ, đối chiếu với biên bản, kiểm tra từ nước đầu tới nước cuối. Sau đó trọng tài và hai đấu thủ ký biên bản xác nhận kết quả ván đấu.
Trước khi rời phòng thi đấu, các đấu thủ phải xếp quân cờ ngay ngắn ở vị trí ban đầu. Trọng tài phải nhanh chóng nộp biên bản cho ban tổ chức.
Như vậy, trên đây là những quy định về luật chơi cờ tướng khi tiến hành ván Cờ Tướng trong các cuộc thi đấu từ các giải cấp cơ sở (địa phương, khu vực…) đến các giải đấu toàn quốc. Tuy nhiên, trong thực tiễn nếu những người chơi cờ bình thường, giải trí, giao lưu và học hỏi với nhau ở nhà, ở trường lớp, công viên hay các câu lạc bộ Cờ Tướng mang tính chất giao hữu (không phải thi đấu trong các giải đấu ở địa phương, khu vực và quốc gia) thì vẫn áp dụng những luật cơ bản như trên (có thể một số điểm cần bỏ qua vì tính chất của ván cờ), cho nên trong quá trình áp dụng luật khi chơi cờ ở môt số điểm không cần quá khắt khe và đơn giản hơn để ván đấu không những phân định thắng thua mà còn để giao lưu, trò chuyện và học hỏi lẫn nhau.
Nếu bạn là người mới bắt đầu chơi Cờ tướng hoặc đã, đang và sẽ tiếp tục rèn luyện để nâng cao trình độ chơi Cờ tướng của mình thì có thể tập luyện chơi và giao lưu với bạn bè trên nền tảng online tại đây nhé: Ziga Online